austraLasia

vaclav2016.12.03 13:26

TIN VÙNG ĐÔNG Á - CHÂU ĐẠI DƯƠNG

Cộng tác viên của Chúa : Phỏng vấn bà Noemi Bertola, Tổng Điều phối viên Hiệp hội Cộng tác viên Salêdiêng thế giới

30-Noemi%20Bertola.jpgVăn Hào, SDB

1-Thưa bà, sau khi bà đã tuyên hứa và trở thành Cộng tác viên Sa-lê-diêng, điều gì đã làm thay đổi cuộc đời của bà?

Cuộc đời tôi đã không có sự trở về đầy ngoạn mục như cuộc đời của Thánh Phaolô. Nhưng tôi đã trải qua một cuộc hành trình tăng triển và trưởng thành trong ơn gọi với nhiều sắc nét khác nhau.

Khi bắt đầu gia nhập Hiệp hội Cộng tác viên, tôi đã 38 tuổi đời, và ơn gọi Cộng tác viên đến với tôi lúc đó tương đối trễ. Trước đó, tôi đã là cựu học viên FMA, và tôi bắt đầu tham gia vào sinh hoạt Cộng tác viên khi đã lớn tuổi. Dầu sao, lúc ấy tôi đã khá chín chắn và trưởng thành. Sau đó, chồng tôi cũng tham gia Hiệp hội giống như tôi. Tôi đã lập gia đình và có 2 con, và đó là ơn gọi đầu tiên của tôi. Gia đình tôi sống ở gần Đền Thánh Don Bosco Cinecitta ở Rôma. Cả 2 vợ chồng tôi đều gia nhập Cộng tác viên Sa-lê-diêng, và đó là  ân huệ lớn lao cho gia đình chúng tôi. Ơn gọi Cộng tác viên giúp vợ chồng chúng tôi trưởng thành hơn trong đời sống gia đình. Cuộc đời của tôi thay đổi từ từ và rất chậm rãi, nhưng qua nhiều năm tháng, tôi cảm thấy có một bước tiến nhảy vọt trong đời sống đức tin.

2-Thưa bà, trong suốt 42 năm qua, với cương vị lãnh đạo và điều hành nhiều công cuộc ở Rôma, bà đã trải nghiệm về sứ vụ tông đồ của mình như thế nào?

Khi tôi làm những công tác chuyên môn, tôi cảm nhận có bàn tay Thiên Chúa luôn dẫn dắt tôi. Trong suốt quãng thời gian dài đằng đẵng ấy, các công việc mà tôi đảm nhận luôn có liên hệ với người trẻ. Đặc biệt trong suốt 18 năm qua, tôi đặc trách các trung tâm dạy nghề, những nơi phục vụ cách riêng các bạn trẻ nghèo và bị bỏ rơi. Đối với các em đó, trung tâm dạy nghề là cơ hội cuối cùng để các em có thể đứng dậy làm lại cuộc đời. Tôi nghĩ rằng không phải cá nhân tôi đã chọn công việc này, nhưng chính Don Bosco đã chọn cho tôi và hướng dẫn tôi. Công việc của tôi là giám sát, và điều phối 9 trung tâm dạy nghề ở Rôma, đặc trách cả khâu tổ chức, quản lý cũng như điều hành.

3- Trong đời sống Sa-lê-diêng, bà đã trải qua những kinh nghiệm nào cao đẹp nhất, thưa bà?

Tôi đã trải qua nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong đời sống Sa-lê-diêng. Tôi luôn tri ân các sơ FMA, vì các sơ đã dạy dỗ tôi suốt 12 năm khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ năm nhà trẻ đến hết bậc trung học. Các sơ đã đồng hành và giúp tôi thăng tiến về văn hóa cũng như về đời sống thiêng liêng trong thời gian tôi cắp sách đến trường. Gia đình bố mẹ tôi ở tại Via Dalmazia, Rôma, rất gần gũi với cộng đoàn của các sơ FMA.

Kinh nghiệm tiếp theo là tôi được tiếp xúc với Hiệp hội Cộng tác viên Sa-lê-diêng. Trong nhiều năm trời, tôi đã sinh hoạt Cộng tác viên tại trung tâm địa phương ở Rôma. Trung tâm này có nhiều thành viên khá lớn tuổi, giống mẹ Margaritta năm xưa. Mặc dầu họ lớn tuổi, nhưng qua cuộc sống, họ đã chia sẻ và cho tôi thấy nơi họ luôn mang đậm một đức tin vững mạnh, biết tín thác vào Chúa, đặc biệt khi gặp những thử thách. Khi tham gia sinh hoạt tại trung tâm này, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều để giúp tăng triển sự thánh thiện nơi tôi mỗi ngày. Hiện nay, cho dầu tôi là Tổng Điều phối viên của Hiệp hội Cộng tác viên thế giới, tôi vẫn đến sinh hoạt tại trung tâm ở đây hằng tháng, và chồng tôi cũng vậy. Chúng tôi là những thành viên trong ban Cố vấn của tỉnh hội Cộng tác viên Sa-lê-diêng. Tôi cũng đã học hỏi được nhiều điều hay từ những vị Điều phối viên trung ương tiền nhiệm của tôi, như ông Rosario Maiorano và các vị khác, khi chúng tôi làm việc chung với nhau trong những năm qua. Từ những vị đó, tôi đã học hỏi được rất nhiều điều. Tôi được bầu chọn làm Tổng Điều phối viên trung ương vào năm 2012, nhưng trước đó, tôi đã là điều phối viên tại trung tâm của địa phương, sau đó là điều phối viên của tỉnh hội, của Hiệp hội Cộng tác viên quốc gia Italia, và là Tổng thư ký của Hiệp hội Cộng tác viên Thế giới từ năm 2010. Vì vậy từng bước, tôi đã trải qua những kinh nghiệm trong việc sinh hoạt và điều hành Hiệp hội.

4- Hiện trạng của Hiệp hội Cộng tác viên Sa-lê-diêng ngày nay như thế nào, thưa bà?

Cho đến năm 2012, tôi đã có dịp đi thăm tất cả 11 miền Cộng tác viên trên toàn thế giới, và tôi đang bắt đầu thực hiện vòng thăm viếng lần thứ 2. Cụ thể, trong những ngày này, tôi sẽ đi thăm Philippines lần thứ hai. Hiện nay, con số Cộng tác viên trên toàn thế giới khoảng 32.000 thành viên, đang sinh hoạt tại 90 tỉnh dòng ở khắp nơi.

Cộng tác viên hiện nay đang tiến triển rất tốt đẹp. Vì nhiều yếu tố lịch sử và địa lý, nên con số Cộng tác viên không tăng nhiều trong những năm qua, nhưng tôi vẫn nhận thấy có một sức năng động và tiến triển tốt đẹp nơi Hiệp hội.

Trong 6 năm qua, tôi đã có dịp đi cùng với Cha Giuseppe Casti, SDB và sơ Leslye Sandigo, FMA đi thăm viếng nhiều nơi. Hai vị là Tổng Uỷ viên, phụ trách Cộng tác viên Sa-lê-diêng. Cả 3 chúng tôi cùng đi chung, để nói lên chứng tá về tinh thần làm việc chung với nhau. Trong 6 năm qua, chúng tôi đã cố gắng trình bày về ‘Kế hoạch đời sống Tông Đồ’ ( PAL), thủ bản của Hiệp hội Cộng tác viên. Thủ bản này rất quan trọng để các thành viên am hiểu về ơn gọi và sứ mạng của Cộng tác viên Sa-lê-diêng.

Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm khi nhìn thấy sự tăng triển sinh động tại nhiều nơi. Ví dụ tại Phi Châu và Đông Âu, chúng tôi nhận thấy công việc Chúa làm rất kỳ diệu. Mỗi lần đến thăm các nơi này, tôi đã trải nghiệm những điều rất bổ ích. Tôi vui mừng khi thấy Hiệp hội Cộng tác viên tại những vùng đó phát triển khá nhanh chóng. Nhiều công cuộc tông đồ với quy mô lớn được trao phó cho các Cộng tác viên Sa-lê-diêng. Ví dụ ở Kaunas - Lithuania, hầu hết ban giám hiệu của 1 trường công lập là các anh chị Cộng tác viên Sa-lê-diêng. Điều này xem ra có vẻ khó tin, nhưng thực sự là thế. Ở Croatia, ở Nhật Bản và ở vùng châu Mỹ Latinh cũng tương tự như thế. Các anh chị Cộng tác viên Sa-lê-diêng đã gieo tinh thần và đoàn sủng Sa-lê-diêng vào các trường học, qua cách thức giảng dạy, qua việc điều hành cũng như họ gieo tinh thần Sa-lê-diêng vào bối cảnh giáo dục tại những nơi đó. Chúng ta có thể nói rằng, nhiều khi, các anh chị Cộng tác viên quảng bá linh đạo Sa-lê-diêng còn hiệu quả hơn cả các tu sĩ SDB và các sơ FMA tại các trường học Sa-lê-diêng họ đảm nhận.

5- Về tương lai của Hiệp hội, bà có mơ ước gì?

Ước mơ của tôi cũng giống như của Cha Thánh Gioan Bosco. Chúng tôi mơ ước các Cộng tác viên luôn trở thành ‘men trong bột’ giữa lòng Giáo hội địa phương và giữa xã hội trần thế. Sự dấn thân vào các lãnh vực dân sự, lĩnh vực chính trị cũng như vào các lãnh vực của Giáo hội đang được thực hiện tại nhiều nơi trên thế giới.

6- Thưa bà, bà mong ước điều gì từ các Ủy viên SDB và FMA đối với Hiệp hội?

Tôi luôn kỳ vọng rằng các Uỷ viên SDB và FMA phải tin tưởng hơn nữa vào ơn gọi Cộng tác viên Sa-lê-diêng của chúng tôi. Các vị Uỷ viên đó cũng phải trở nên men trong bột, để chúng tôi học hỏi và noi theo.

Tại Âu Châu, chúng tôi cũng đang gặp khó khăn. Ở nhiều nơi, các anh em SDB đã tỏ ra khá nhiều quyền bính cách cứng rắn và không chịu từ bỏ vai trò chỉ đạo của mình. Họ chỉ sử dụng các Cộng tác viên như là những người giúp việc tại phòng áo mà thôi. Trái lại, tại nhiều nơi như ở Đông Âu, ở Á Châu hay ở Phi Châu, gia đình Sa-lê-diêng phát triển rất mạnh. Các Cộng tác viên Sa-lê-diêng rất được trọng thị và được trao phó nhiều công việc quan trọng.

Vì vậy, tôi mong muốn các Uỷ viên SDB và FMA phải có tấm lòng rộng mở hơn nữa đối với chúng tôi, phải có sự hiểu biết sâu xa hơn về ơn gọi của chúng tôi, chịu khó nghiên cứu cuốn ‘Kế hoạch đời sống Tông Đồ’, hiến chương của Hiệp hội Cộng tác viên để hiểu rõ hơn về chúng tôi. Nếu các vị đó không đọc và nghiền gẫm cuốn hiến chương này, các Ngài sẽ hướng dẫn chúng tôi chỉ như là hướng dẫn các nhóm đạo đức khác trong giáo xứ và không hiểu gì về ơn gọi của chúng tôi. Điều đó sẽ không thể giúp Hiệp hội tăng triển. Các vị chỉ đến tham dự cuộc họp 1 tháng 1 lần với các Cộng tác viên. Họ đến họp, nói sơ sài vài điều sau đó biến mất. Có thể các Ngài bận bịu nhiều công việc. Nhưng kinh nghiệm cho thấy ở những cộng đoàn Giáo hội địa phương nhỏ bé, như tại Lithuania, vai trò người đời rất được trân trọng và gia đình Sa-lê-diêng ở đó có cơ hội để phát triển. Nhiều khi các anh em SDB lại chính là những người đầu tiên không tin tưởng vào ơn gọi của chúng tôi, chỉ xem chúng tôi như là những đứa bé giúp lễ hay những người sai vặt mà thôi. Đương nhiên, cũng cần có thời gian để chúng ta gia tăng sự hiệp thông với nhau và để Cộng tác viên Sa-lê-diêng có thể đi đến giai đoạn tự quản hoàn toàn.

7- Bà có điều gì để chia sẻ với 30 nhóm khác trong gia đình Sa-lê-diêng hay không?

Vâng, tin tưởng vào gia đình Sa-lê-diêng là điều rất căn bản. Hiệp hội Cộng tác viên Sa-lê-diêng rất mong muốn mở rộng tương giao với toàn thể gia đình Sa-lê-diêng rộng lớn. Hiện nay đang còn rất nhiều trở ngại và khó khăn để mở rộng sự tương giao này. Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào niềm tin của các anh em SDB trước tiên, và tùy thuộc vào cảm tính cá nhân nơi từng người. Dẫu sao, trên cấp độ thế giới, và trên cấp độ tỉnh dòng, chúng tôi thấy có sự thông thoáng và cởi mở hơn. Chúng tôi vẫn kỳ vọng các anh chị em tu sỹ, SDB và FMA, biết trân quý ơn gọi người đời, đặc biệt đối với các thành viên trong gia đình Sa-lê-diêng.

Xin đọc lại hiến chương ‘Kế hoạch đời sống Tông Đồ’ khoản 14: ‘Các Cộng tác viên Sa-lê-diêng phó thác cuộc sống cho Đức trinh nữ Vô nhiễm và là Đấng Phù hộ các Kitô hữu, bởi vì Mẹ chính là người hướng dẫn ơn gọi tông đồ của họ, giúp họ trở nên các cộng sự viên của Thiên Chúa, và thông dự vào việc thực hiện kế hoạch cứu chuộc của Ngài”.

Attach

Drag and drop your files here, or Click attach files button.

Maximum File Size : 0MB (Allowed extentsions : *.*)

0 file(s) attached ( / )